Bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý ra sao theo Bộ Luật hình sự?

14/06/2018 16:49 Tài liệu
Nhiều vụ bạo hành trẻ em đã diễn ra trong thời gian gần đây. Có vụ để lại hậu quả nặng nề. Hành vi bạo hành trẻ em nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

 

Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em - theo quy định tại khoản 6 điều 4, Luật trẻ em 2016.

 

 Bạo hành trẻ em ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh: Internet

 
Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định). Đó có thể là những hành vi: Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em...
 
Người có hành vi vi phạm khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em thì có thể sẽ phạm tội "Hành hạ người khác" được quy định tại Điều 110 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
 

Điều 110. Tội hành hạ người khác 

1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người.

Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình). 
 
Từ khóa:
bạo hành trẻ em luật trẻ em