Bản sao Giấy khai sinh có thời hạn bao lâu?

12/10/2020 16:39 Tin pháp luật
Bản sao Giấy khai sinh có thời hạn bao lâu? 06 tháng? 01 năm? Hay vĩnh viễn là thắc mắc của không ít người hiện nay khi quyết định đăng ký số lượng bản sao trong quá trình làm Giấy khai sinh cho con.

Bản sao Giấy khai sinh có thời hạn bao lâu? (Ảnh minh họa)

 

1. Hai loại bản sao Giấy khai sinh

 

Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, bản sao Giấy khai sinh tương tự như bản sao nhiều loại giấy tờ thông thường khác, có 02 loại:

 

- Bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc là bản sao được cấp từ sổ gốc, do cơ quan đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao, có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

 

Việc cấp bản sao từ sổ gốc được thực hiện đồng thời với việc cấp bản chính hoặc sau thời điểm cấp bản chính.

 

- Bản sao Giấy khai sinh có chứng thực là bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

 

Trong đó, theo Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, giá trị của bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc và bản sao Giấy khai sinh chứng thực đều có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.

 

2. Thời hạn bản sao Giấy khai sinh

 

Theo quy định hiện nay, ngoài một số giấy tờ thường có thời hạn 06 tháng như Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Phiếu lý lịch tư pháp, thì Giấy khai sinh là loại giấy tờ nhiều năm không thay đổi cũng không có thời hạn sử dụng. Do đó, bản sao Giấy khai sinh đương nhiên không có thời hạn.

 

Mặt khác, theo quy định tại Luật Công chứng năm 2014, cũng không có nội dung quy định thời hạn có hiệu lực của văn bản công chứng, chứng thực, hay yêu cầu Giấy khai sinh bản sao phải có thời hạn trong bao lâu.

 

Do đó, có thể nói, bản sao Giấy khai sinh là loại giấy tờ không xác định thời hạn có giá trị.

 

Mặt khác, Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có nội dung hướng dẫn các cơ quan tổ chức khi tiếp nhận bản sao cụ thể như sau:

 

- Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu.

 

Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

 

- Trường hợp tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

 

Xem thêm:

 

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con mới và đầy đủ nhất

Tailieuluat