BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 234/2016/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2016 |
THÔNG TƯ
Quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biến, công trình biến; Sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên tàu biển, công trình biển; đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và phê duyệt, kiểm tra, đánh giá, chứng nhận lao động hàng hải
-------------------
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển, công trình biển; sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên tàu biển, công trình biển; đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và phê duyệt, kiểm tra, đánh giá, chứng nhận lao động hàng hải.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển, công trình biển; sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên tàu biển, công trình biển; đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và phê duyệt, kiểm tra, đánh giá, chứng nhận lao động hàng hải thuộc phạm vi trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được Cơ quan đăng kiểm thực hiện việc kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển, công trình biển; sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên tàu biển, công trình biển; đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và phê duyệt, kiểm tra, đánh giá, chứng nhận lao động hàng hải chịu trách nhiệm thanh toán cho Cơ quan đăng kiểm giá dịch vụ theo quy định tại Thông tư này.
2. Cơ quan đăng kiểm: bao gồm Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
3. Tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
1. Số đơn vị giá tiêu chuẩn (ĐVGTC) là số đơn vị giá được xác định theo các loại hình công việc kiểm định thực hiện và các thông số đặc trưng của tàu biển và công trình biển. Số ĐVGTC được nêu ở các phần tương ứng của Biểu mức giá ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Số đơn vị giá theo thời gian thực hiện công việc kiểm định (ĐVGTG) được xác định theo công thức: ĐVGTG = 400 x k.
Trong đó:
- 400: Số đơn vị giá tính cho 01 lần thực hiện công việc kiểm định;
- Tàu biển mang cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hệ số k = 1;
- Tàu biển mang cấp của Đăng kiểm nước ngoài, hệ số k = 1,5;
- Công trình biển, hệ số k = 2,5.
3. Giá trị của một đơn vị giá (α) được xác định như sau:
a) Đối với tàu biển thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam: α = 1.700 đồng.
b) Đối với tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc mang cờ quốc tịch nước ngoài mang cấp của Đăng kiểm nước ngoài và công trình biển thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam: α = 0,50 Đô la Mỹ.
Điều 4. Giá dịch vụ kiểm định
1. Giá dịch vụ kiểm định thực hiện theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Giá dịch vụ quy định tại Thông tư này đã gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không bao gồm lệ phí cấp Giấy chứng nhận theo quy định của công ước quốc tế hoặc theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho tàu biển, công trình biển theo mức quy định của Bộ Tài chính, chi phí khác (CPK) như: chi phí ăn ở, đi lại, thông tin liên lạc để phục vụ công tác kiểm tra ở những nơi xa trụ sở Cơ quan đăng kiểm trên 100 km và các khoản chi phí mà chủ tàu phải nộp theo quy định pháp luật của quốc gia mà tàu, công trình biển mang cờ quốc tịch. Chi phí ăn ở, đi lại, thông tin liên lạc để phục vụ công tác kiểm tra ở những nơi cách xa trụ sở Cơ quan đăng kiểm trên 100 km (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Khi thu tiền dịch vụ, Cơ quan đăng kiểm sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Cơ quan đăng kiểm có nghĩa vụ công khai thông tin và niêm yết giá dịch vụ, nộp thuế đối với số tiền thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền còn lại sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Công thức tính giá kiểm định
1. Công thức tính giá kiểm định tiêu chuẩn (GKĐTC): Áp dụng cho tất cả các công việc kiểm định có số đơn vị giá tiêu chuẩn nêu trong các Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư này.
Giá kiểm định tiêu chuẩn được xác định theo công thức:
GPKĐTC = GTC + CPK
Trong đó:
- GTC: Giá tiêu chuẩn;
+ Đối với tàu biển và sản phẩm công nghiệp: GTC = α x ĐVGTC
+ Đối với công trình biển: GTC được tính bằng 1,5 lần ứng với các loại hình kiểm tra và các đối tượng kiểm tra tương ứng của tàu biển.
- CPK: Chi phí khác.
2. Phương pháp tính giá kiểm định theo thời gian thực hiện công việc kiểm định (GKĐTG), áp dụng cho các công việc kiểm định sau:
a) Kiểm tra sửa chữa tàu biển, kiểm tra bất thường và kiểm tra liên tục máy.
b) Kiểm định sản phẩm công nghiệp, giám định tai nạn và sự cố hàng hải, giám định trạng thái kỹ thuật tàu và các công việc kiểm định chưa được nêu trong các Biểu mức giá quy định kèm theo Thông tư này.
c) Đối với trường hợp thời gian giám sát đóng mới, hoán cải tàu biển, công trình biển bị kéo dài quá thời gian quy định trong hợp đồng giám sát kỹ thuật được ký kết giữa Cơ quan đăng kiểm với khách hàng thì giá kiểm định phải được tính thêm phần giá kiểm định tính theo thời gian thực hiện công việc thực tế trong giai đoạn thời gian kéo dài.
d) Đối với tính giá kiểm định kiểm tra tàu đang khai thác, nếu đăng kiểm viên phải tăng số lần thực hiện công việc kiểm định do phải thực hiện giám sát, kiểm tra bổ sung thì giá kiểm định phải được tính thêm phần giá kiểm định tính theo thời gian thực hiện công việc bổ sung thực tế.
Giá kiểm định theo thời gian được tính theo công thức:
GKĐTG = GTG + CPK
Trong đó:
- GTG = α x ĐVGTG x n: Là giá tính theo số lần thực hiện công việc kiểm định.
n: Là số lần thực hiện công việc kiểm định. Một lần thực hiện công việc kiểm định tối đa trong thời gian 4 giờ. Nếu thời gian thực hiện một công việc kiểm định trên 4 giờ, được tính thêm như sau: Số lẻ dưới 2 giờ tính bằng 0,5 lần; số lẻ từ 2 giờ đến 4 giờ tính là một lần. Thời gian đi lại, chờ đợi thực hiện công việc kiểm định và thời gian lập hồ sơ kiểm định không được tính vào số giờ để xác định số lần thực hiện công việc kiểm định.
- CPK: Chi phí khác.
3. Các trường hợp tính giá kiểm định khác
a) Đối với các tàu biển hoặc công trình biển Cục Đăng kiểm Việt Nam không thực hiện việc phân cấp mà chỉ thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật, thì việc tính giá kiểm định các hạng mục tương ứng được thực hiện như đối với tàu, công trình biển được phân cấp.
b) Đối với các công việc kiểm định được thực hiện theo nội dung thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam và Đăng kiểm nước ngoài thì giá kiểm định được xác định theo thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với Đăng kiểm nước ngoài và tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thanh toán giá kiểm định.
c) Đối với dịch vụ giám sát, kiểm tra các công trình biển chưa nêu trong các Biểu giá dịch vụ quy định tại Thông tư này, giá kiểm định được tính theo hợp đồng thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam và khách hàng. Mức giá kiểm định được tính theo ngày làm việc và tối thiểu bằng 60% mức giá kiểm định của Đăng kiểm nước ngoài tham gia thực hiện đối với công việc tương ứng.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 165/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển, công trình biển; phí đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh tàu biển, công trình biển và phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.