ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2788/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 17 tháng 9 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ ban hành chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;
Căn cứ Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp về việc ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 260/TTr-SNN&PTNT ngày 05/9/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời về Quy chế quản lý giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam".
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc khai thác, sử dụng nguồn gen; đánh giá, công nhận; sản xuất, kinh doanh; quản lý chất lượng giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân có hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Giống dược liệu bao gồm giống cây trồng được phát triển từ một hay nhiều bộ phận của thực vật để sản xuất dược liệu.
2. Nguồn giống: Là nơi cung cấp vật liệu giống, bao gồm vườn giống, cây mẹ (cây trội), cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
3. Giống dược liệu địa phương: Là giống được hình thành trong quá trình tiến hóa tự nhiên, đã tồn tại và phát triển ở các địa phương.
4. Giống cây dược liệu mới: Là giống do các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chọn tạo.
5. Cây mẹ (cây trội): Là cây tốt nhất được tuyển chọn từ tự nhiên, vườn trồng, cây trồng phân tán hoặc vườn giống để nhân giống.
6. Cây đầu dòng: Là cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định, tính chống chịu tốt hơn hẳn các cây khác trong quần thể một giống (giống địa phương, giống mới chọn tạo, giống nhập nội) được cơ quan có thẩm quyền bình tuyển và công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống.
7. Vườn cây đầu dòng: Là vườn tập hợp cây được nhân bằng phương pháp vô tính lấy từ các cây đầu dòng để chuyên cung cấp vật liệu giống vô tính.
8. Vườn giống: Là vườn được trồng theo sơ đồ nhất định từ các dòng vô tính (vườn giống vô tính) hoặc từ hạt của cây mẹ (vườn giống hữu tính) đã được tuyển chọn và công nhận.
9. Chứng chỉ công nhận nguồn giống là việc đánh giá một nguồn giống cụ thể (vườn giống, cây mẹ, cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng) đạt tiêu chuẩn chất lượng được cấp giấy chứng chỉ công nhận nguồn giống để quản lý khai thác, sử dụng.
Chương II
QUẢN LÝ GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU
Mục 1. CÔNG NHẬN NGUỒN GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU
Điều 4. Công nhận nguồn giống cây dược liệu
Các loại nguồn giống cây dược liệu sau đây phải đăng ký và được cấp chứng chỉ công nhận mới được phép đưa vào sản xuất, kinh doanh:
1. Cây mẹ (cây trội);
2. Cây đầu dòng;
3. Vườn cây đầu dòng;
4. Vườn giống.
Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nguồn giống
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
1. Tổ chức bình tuyển nguồn giống trên địa bàn tỉnh.
Trường hợp cây dược liệu đăng ký bình tuyển chưa có tiêu chuẩn quốc gia, Hội đồng bình tuyển xây dựng tiêu chí, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt trước khi tiến hành bình tuyển.
2. Công bố quyết định, cấp và huỷ bỏ chứng chỉ công nhận nguồn giống cho cây mẹ (cây trội), cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và vườn giống trên địa bàn tỉnh.
3. Theo dõi, đánh giá, hướng dẫn sử dụng, khai thác hợp lý các nguồn giống đã được công nhận trên địa bàn tỉnh.
4. Quản lý việc sử dụng giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật cây dược liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận trên địa bàn tỉnh.
5. Tổ chức Hội đồng thẩm định nguồn giống cây dược liệu cấp tỉnh khi có yêu cầu.
Điều 6. Thủ tục công nhận nguồn giống
1. Đăng ký nguồn giống:
Chủ nguồn giống làm đơn đăng ký theo biểu mẫu phụ lục 01 kèm theo báo cáo kỹ thuật về nguồn giống gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin cấp chứng chỉ công nhận cho cây mẹ (cây trội), cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và vườn giống.
2. Thẩm định nguồn giống
a) Nội dung thẩm định:
- Sự phù hợp của nguồn giống xin công nhận với quy hoạch phát triển nguồn giống và nhu cầu giống cây dược liệu của tỉnh và nằm trong danh mục cho phép của Chính phủ, của Bộ Y tế.
- Sự phù hợp của nguồn giống với các quy phạm, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại nguồn giống đã ban hành.
b) Trình tự thẩm định:
- Cơ quan nhận đơn xem xét hồ sơ đăng ký công nhận nguồn giống theo các nội dung thẩm định nêu tại Điểm a, Khoản 2 của Điều này;
- Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, thông báo cho chủ đơn biết lý do bác đơn hoặc cần bổ sung các số liệu cần thiết vào hồ sơ;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định nguồn giống để công nhận cho cây mẹ (cây trội), cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và vườn giống trên phạm vi toàn tỉnh.
3. Cấp Chứng chỉ công nhận nguồn giống:
Căn cứ vào biên bản của Hội đồng thẩm định nguồn giống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp theo biểu mẫu phụ lục 02. Trong chứng chỉ công nhận nguồn giống ghi rõ các tác nghiệp kỹ thuật cần thiết do Hội đồng thẩm định đề xuất mà chủ nguồn giống phải thực hiện.
Điều 7. Quản lý nguồn giống cây dược liệu đã được công nhận
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các nguồn giống cây dược liệu đã được công nhận trên địa bàn. Sau khi công nhận nguồn giống cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm báo cáo về Cục Trồng trọt để tổng hợp, theo dõi.
2. Sau khi nguồn giống đã được cấp chứng chỉ công nhận, chủ nguồn giống phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và tác nghiệp kỹ thuật vào nguồn giống theo quy định.
Điều 8. Thời hạn của chứng chỉ công nhận nguồn giống cây dược liệu
1. Thời hạn của giấy chứng chỉ công nhận các loại nguồn giống do tỉnh công nhận là: 5 năm đối với cây mọc nhanh, 7 năm đối với cây mọc chậm, kể từ ngày có quyết định công nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sau thời hạn nêu ở Khoản 1 Điều này, các nguồn giống phải được đánh giá lại và cấp chứng chỉ mới nếu đạt yêu cầu để đảm bảo nguồn giống luôn đạt chất lượng di truyền sau quá trình sử dụng và tác động kỹ thuật.
Điều 9. Huỷ bỏ chứng chỉ công nhận nguồn giống cây dược liệu
Căn cứ vào biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định nguồn giống cấp tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đình chỉ hiệu lực của chứng chỉ công nhận nguồn giống trên địa bàn tỉnh.
Điều 10. Mã số nguồn giống cây dược liệu
1. Các nguồn giống cây dược liệu được công nhận phải có mã số. Mã số được ghi trong chứng chỉ công nhận nguồn giống.
2. Mã số các loại giống cây dược liệu lưu thông trên thị trường phải ghi theo mã số nguồn giống đã được quy định.
Mục 2. SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU
Điều 11. Cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh (hoặc ủy quyền theo quy định).
3. Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Điều 12. Sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu
1. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các loại giống dược liệu được nhân giống từ những loài thực vật được cơ quan có thẩm quyền công nhận có giá trị dược liệu.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu phải bảo đảm chất lượng giống theo đăng ký và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng giống do mình sản xuất, kinh doanh.
3. Việc đề nghị công nhận giống dược liệu địa phương, giống dược liệu mới: Thực hiện theo Điều 4, Chương I, Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ.
4. Chủ cung ứng giống cây dược liệu trong quá trình sản xuất giống phải có sổ nhật ký ghi chép các công đoạn sản xuất giống.
5. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng.
6. Có địa điểm sản xuất giống cây dược liệu và có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất từng loại giống.
7. Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo về kỹ thuật Trồng trọt, Bảo vệ thực vật (có trình độ từ trung cấp trở lên).
8. Cây giống dược liệu đưa vào sản xuất, kinh doanh phải được nhân từ nguồn giống được cấp có thẩm quyền công nhận. Có hồ sơ hợp pháp trong việc mua bán vật liệu giống để sản xuất giống. Cây giống phải được ghi nhãn theo quy định.
9. Đối với các loại cây dược liệu chưa có tiêu chuẩn quốc gia, cơ sở sản xuất giống phải căn cứ vào tiêu chuẩn cây giống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành trong các Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây dược liệu; đối với cây dược liệu mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành Hướng dẫn thì cơ sở sản xuất giống tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở (trình tự và thủ tục thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007), đảm bảo đúng giống, sạch sâu bệnh hại; có hồ sơ chứng minh nguồn gốc rõ ràng và phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn đã công bố.
Điều 13. Nhãn mác giống cây dược liệu
Hạt giống cây dược liệu để sản xuất, kinh doanh phải có nhãn trên bao bì. Cây con để sản xuất, kinh doanh phải có lý lịch giống. Nội dung ghi trên bao bì và lý lịch giống gồm:
- Tên và địa chỉ của chủ cung ứng giống (cơ sở sản xuất kinh doanh)
- Tên khoa học, tên Việt Nam và tên địa phương (nếu có) của giống
- Nguồn gốc của giống và chỉ tiêu chất lượng giống
- Ngày, tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng giống
- Hướng dẫn bảo quản và sử dụng giống (đối với giống cây trồng có bao bì).
Trường hợp đối với giống cây dược liệu không có bao bì chứa đựng và những nội dung trên không ghi được đầy đủ trên nhãn thì phải ghi vào tài liệu kèm theo giống cây dược liệu khi kinh doanh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất và kinh doanh giống cây dược liệu chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
Điều 15. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu có vướng mắc, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC 01
MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ NGUỒN GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐĂNG KÝ NGUỒN GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU
Kính gửi: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam
Căn cứ vào Quy chế quản lý giống cây dược liệu và tiêu chuẩn về các loại hình nguồn giống cây dược liệu đã ban hành, chúng tôi làm đơn này đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam thẩm định và cấp chứng chỉ công nhận các nguồn giống sau đây:
|
||
Tên chủ nguồn giống (Đơn vị hoặc cá nhân) |
|
|
Địa chỉ (Kèm số ĐT/Fax/E-mail nếu có) |
|
|
Loài cây |
1. Tên khoa học 2. Tên Việt Nam |
|
Vị trí hành chính và địa lý của nguồn giống xin công nhận |
Tỉnh: … Huyện: … Xã: … Thuộc lô, khoảnh, tiểu khu, lâm trường: Vĩ độ: Kinh độ: Độ cao trên mặt nước biển: |
|
Các thông tin chi tiết về nguồn giống xin công nhận: |
||
1. Nguồn gốc (tự nhiên/trồng): 2. Tuổi trung bình hoặc năm trồng: 3. Nguồn vật liệu giống trồng ban đầu (cây ươm từ hạt, cây ghép, cây giâm hom, cây nuôi cấy mô, xuất xứ, số cây trội được lấy hạt, số dòng vô tính): 4. Sơ đồ bố trí cây trồng: 5. Diện tích: 6. Chiều cao trung bình (m): 7. Đường kính trung bình (m): 8. Cự ly trồng ban đầu và mật độ hiện thời (số cây/ha): 9. Tình hình ra hoa, kết hạt: 10. Tóm tắt các kết quả trồng thử bằng nguồn giống này (nếu có): |
||
Sơ đồ vị trí nguồn giống (nếu có): |
||
Loại hình nguồn giống đề nghị được công nhận: □ Cây mẹ (cây trội) □ Cây đầu dòng □ Vườn cây đầu dòng □ Vườn giống |
||
|
Ngày … tháng … năm 20 |
|
|
|
|
PHỤ LỤC 02
MẪU CHỨNG CHỈ CÔNG NHẬN NGUỒN GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU
UBND TỈNH QUẢNG NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
. . . . . . ., ngày … tháng … năm 20… |
CHỨNG CHỈ CÔNG NHẬN
NGUỒN GIỐNG CÂY DƯỢC LIỆU
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Nam công nhận diện tích rừng (vườn) dưới đây đạt tiêu chuẩn chất lượng nguồn giống có thể đưa vào sản xuất, kinh doanh vật liệu giống cây dược liệu.
Mã số nguồn giống: |
|
Loài cây (và xuất xứ nếu có) |
1. Tên khoa học: 2. Tên Việt Nam: 3. Tên xuất xứ (nếu có): |
Địa điểm |
Lô: Khoảnh: Tiểu khu: Lâm trường: Xã: Huyện: Tỉnh: |
Diện tích: |
|
Tên và địa chỉ của chủ nguồn giống kèm số ĐT/Fax/E-mail nếu có |
|
Loại hình nguồn giống được công nhận: |
□ Cây mẹ (cây trội) □ Cây đầu dòng □ Vườn cây đầu dòng □ Vườn giống |
Phạm vi sử dụng nguồn giống làm vật liệu trồng (điều kiện sinh thái cho phép sử dụng; điều kiện lập địa hạn chế hoặc không được phép sử dụng nếu xét thấy cần thiết). |
|
Các tác nghiệp kỹ thuật cần thực hiện trong thời gian quản lý, khai thác nguồn giống. |
|
Giấy công nhận này có giá trị đến ngày: |
Ngày … tháng … năm 20… |