ỦY BAN THƯỜNG VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 485/NQ-UBTVQH14 |
Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ GIÁM SÁT VIỆC BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ 2016-2021 ĐẾN HẾT THÁNG 6 NĂM 2017
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 235/NQ-UBTVQH14 ngày 25/8/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017; Nghị quyết số 335/NQ-UBTVQH14 ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến hết tháng 6 năm 2017;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 237/BC-ĐGS ngày 05/12/2017 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá tình hình
1. Tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 237/BC-ĐGS ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến hết tháng 6 năm 2017.
Trong hơn 1 năm của nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương. Hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng có hiệu lực, hiệu quả và thực quyền hơn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ở địa phương.
Hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức, bộ máy và hoạt động của Hội đồng nhân dân đã dần được hoàn thiện. Một số vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ kịp thời hướng dẫn để Hội đồng nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Tuy nhiên trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn còn một số hạn chế chủ yếu sau đây:
- Thứ nhất, việc bố trí nhân sự của Hội đồng nhân dân ở một số địa phương chưa thực hiện đúng Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, ngày 31/01/2016 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Do vậy, vẫn còn trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh không tham gia cấp ủy.
- Thứ hai, việc ban hành nghị quyết tại một số địa phương vẫn còn mang tính hình thức, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục, chưa quan tâm đến việc tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo nghị quyết, cá biệt có nghị quyết còn chưa phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu thực tế của địa phương; việc gửi hồ sơ đến các Ban của Hội đồng nhân dân để thẩm tra còn chưa đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Thứ ba, hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, tái giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân còn hạn chế và chưa thường xuyên. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân còn lúng túng về phương pháp. Việc thực hiện kết luận giám sát, kiến nghị sau giám sát chưa được theo dõi, đôn đốc thường xuyên, một số cơ quan chức năng chưa nghiêm túc triển khai thực hiện.
- Thứ tư, hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự tiếp xúc cử tri chủ yếu là cán bộ, công chức cấp xã. Công tác tiếp công dân chủ yếu do đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thực hiện. Việc giải quyết các đơn thư do đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển đến đạt tỷ lệ thấp. Trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động của một số đại biểu Hội đồng nhân dân còn hạn chế.
Những bất cập, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân như: quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân còn một số nội dung chưa phù hợp thực tế, còn thiếu văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; một số quy định còn có sự mâu thuẫn trong việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp. Một số cấp ủy địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, đại biểu Hội đồng nhân dân còn chưa thực sự coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân. Công tác quy hoạch đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở một số địa phương chưa được quan tâm, thiếu kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ kế cận. Kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của đa số đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia lần đầu còn hạn chế, một số đại biểu Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm chưa tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Văn phòng Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Chính phủ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chú trọng kiểm tra việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật trong việc phân cấp, phân quyền; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương... theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH ngày 18/01/2018 của Đảng đoàn Quốc hội.
Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019 sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Ban Công tác đại biểu tiếp tục tăng cường công tác tham mưu giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội trong việc tổ chức các Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động Hội đồng nhân dân trong Quý 3 năm 2018; tiếp tục phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực trên toàn quốc.
3. Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt; thời gian thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương....
4. Các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tham gia cấp ủy, bảo đảm nghiêm túc theo đúng quy định tại Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31/01/2016 của Ban Tổ chức Trung ương; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đối với đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; tiếp tục bố trí đủ số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân.
5. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi ban hành nghị quyết, nhất là nghị quyết quy phạm pháp luật phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng chất lượng công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, ý kiến của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, chủ trì trình nghị quyết nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết.
Tăng cường hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, nghiên cứu ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Hội đồng nhân dân các cấp chủ động triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân vào cuối năm 2018 theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội.
Việc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật phải thực chất, đến được với người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đẩy mạnh công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
|