ỦY BAN THƯỜNG VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 484/NQ-UBTVQH14 |
Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÀNH LẬP PHƯỜNG TIỀN CHÂU, PHƯỜNG NAM VIÊM THUỘC THỊ XÃ PHÚC YÊN VÀ THÀNH LẬP THÀNH PHỐ PHÚC YÊN THUỘC TỈNH VĨNH PHÚC
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 545/TTr-CP ngày 21 tháng 11 năm 2017,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc
1. Thành lập 02 phường thuộc thị xã Phúc Yên:
a) Thành lập phường Tiền Châu trên cơ sở toàn bộ 7,14 km2 diện tích tự nhiên và 12.689 người của xã Tiền Châu.
Địa giới hành chính phường Tiền Châu: Đông giáp các phường Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Nam giáp thành phố Hà Nội; Bắc giáp phường Nam Viêm;
b) Thành lập phường Nam Viêm trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viêm.
Địa giới hành chính phường Nam Viêm: Đông giáp thành phố Hà Nội; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Nam giáp các phường Trưng Nhị, Phúc Thắng, Tiền Châu; Bắc giáp xã Cao Minh và phường Xuân Hòa.
2. Thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2 diện tích tự nhiên và 155.435 người của thị xã Phúc Yên.
Địa giới hành chính thành phố Phúc Yên: Đông và Nam giáp thành phố Hà Nội; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên.
3. Sau khi thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên:
a) Thành phố Phúc Yên có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 08 phường Đồng Xuân, Hùng Vương, Nam Viêm, Phúc Thắng, Tiền Châu, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Xuân Hòa và 02 xã Cao Minh, Ngọc Thanh;
b) Tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 07 huyện và 02 thành phố; 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã, 15 phường và 12 thị trấn.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |